Theo hẹn, 6 giờ sáng, tôi đến sân Nhà khách UBND tỉnh, ông đã ngồi đợi tôi ở ghế đá dưới gốc cây xà cừ, trầm ngâm ngắm màn sương giăng trên dòng sông Bằng lan tỏa bên phía Nà Cạn. Mới gặp nhau lần đầu nhưng chính ông lại là người chủ động hỏi tôi trước: “Có phải nhà báo Lã Vinh không?”. Câu hỏi làm tôi bị bất ngờ và có phần lúng túng: “Dạ phải nhưng sao chú lại nhận ra cháu?”. Ông cười: “Thì hôm qua anh điện, 5 giờ sáng tôi đã dậy để ngắm cảnh Cao Bằng trong sương sớm, xung quanh đây còn vắng bóng người, anh lại đeo túi máy ảnh nên tôi dễ dàng nhận ra ngay”. Giọng ông nhỏ nhẹ ấm áp, mái tóc điểm bạc, đôi mắt tinh anh ẩn sau cắp kính trắng lịch lãm nho nhã đúng như phong thái của một ông đồ nghệ.... Dường như đã quá quen với những cuộc gặp gỡ tiếp xúc với cánh nhà báo, hơn nữa như ông nói là để tranh thủ thời gian bởi 7 giờ ông lại phải lên xe cùng đoàn đi Pác Bó nên không cần đợi tôi phải đặt lại câu hỏi và mục đích cuộc gặp gỡ, ông đã chủ động kể cho tôi nghe những nét cơ bản về tiểu sử và bối cảnh ra đời của ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.
Quê ông ở Thanh Chương (Nghệ An), cụ thân sinh là một nhà nho hay chữ nên ông sớm được thừa hưởng đôi chút chữ nghĩa văn chương. Năm ông 18 tuổi cũng là năm hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), ông tự ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề phu xe... Nhờ niềm đam mê và năng khiếu âm nhạc được nuôi dưỡng bởi cái nôi của làn điệu dân ca xứ Nghệ đã giúp ông may mắn được gặp nhạc sỹ Trọng Bằng và nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Trưởng đoàn Ca múa nhân dân Trung ương. Bằng cặp mắt tinh đời, hai nhạc sỹ đàn anh đã sớm phát hiện ra tài năng cảm thụ âm nhạc nghệ thuật của Nguyễn Tài Tuệ và đưa ông vào làm diễn viên của đoàn. Thế rồi sau một chuyến công tác lên Tây Bắc, ông đã trình làng tác phẩm âm nhạc đầu tiên “Lời ca gửi noọng” đậm chất dân ca và bản sắc văn hóa dân tộc miền núi. Tác phẩm ngay sau đó được tuyển chọn tham gia Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới ở Praha, Tiệp Khắc. Nhưng thành công trở về thì có lời dèm pha, giai điệu lời ca nặng về tình cảm lứa đôi, không phù hợp trong lúc cả nước còn chia cắt, nhiệm vụ lúc này là phải đấu tranh cách mạng..., và ông bị khiển trách.
3 năm sau, năm 23 tuổi, ông viết “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” hưởng ứng cuộc vận động sáng tác chào mừng kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây giọng ông bỗng trở nên bồi hồi xúc động: Lúc đó, tôi chưa có dịp đến Cao Bằng, nhưng bằng tình cảm sâu sắc với vị Cha già xứ Nghệ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, bằng trí tưởng tượng phong phú về âm hưởng của núi rừng qua vần thơ của Bác. “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà.”
Những ca từ mộc mạc cứ hiện ra trong tôi, có đủ cả âm thanh, hình ảnh, tình người. “Trông vời lưng núi, Khuổi Nặm rì rào núi cao tầng mây/Chiều nghe sáo ai đang lượn về trên đèo/Kể rằng Người về đây... Bóng dáng Người còn in trên đèo...”.
Bài hát nhanh chóng được phát lên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng nhanh chóng được khán giả đón nhận, yêu thích. Thế nhưng oái ăm thay, có một vị chức sắc ở Vụ Âm nhạc lại nhận xét bài hát ấy mang chất liệu then Tày, một hình thức dùng để cúng bái của thời phong kiến; ý kiến của ông ta được báo cáo lên cấp trên, thế là bài hát bị đình chỉ... Cho đến khi đồng chí Nông Quốc Chấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa biết chuyện và có ý kiến phản biện lại rằng: Then Tày xuất phát là một loại nhã nhạc cung đình, không chỉ để cúng bái mà còn là loại dân ca phổ biến trong các lễ hội... Chính ông cũng đang chỉ đạo Bộ Văn hóa dàn dựng một chương trình hát Then đàn tính mừng sinh nhật Bác... Thái độ nhìn nhận khách quan và tiếng nói của vị Thứ trưởng lúc đó không những đã góp phần tôn vinh Hát then mà còn giúp cho Nguyễn Tài Tuệ thoát khỏi một nghi án văn chương; còn “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” tiếp tục vang xa và trở thành một trong những bài ca đi cùng năm tháng... Đến giờ ông vẫn coi đấy là một “dấu chấm lặng’’ trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông.
Câu chuyện ông với tôi tạm dừng vì đã đến giờ ông phải lên xe đi Pác Bó. Còn tôi thì cũng đã hoàn thành nhiệm vụ được Ban Biên tập Báo Cao Bằng giao là gặp, chụp ảnh và lấy chữ ký của ông kịp in trong số báo Xuân cùng với cả lời của bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” bằng tiếng Việt và tiếng Tày, Nùng.
Hơn 20 năm, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ông vẫn lắng lại trong tôi một hình ảnh khó quên về một con người bình dị nho nhã, trong buổi sáng tinh mơ đợi tôi giữa màn sương mờ giá lạnh. Tôi không ngờ cuộc đời của một nghệ sỹ và những ca khúc để đời của ông lại phải chịu những bước thăng trầm như thế. Bù lại cho cuộc sống vốn khắc nghiệt nhưng vẫn luôn còn đó niềm tin về một sự an ủi khôn cùng là cái hay, cái đẹp của cuộc sống trước sau cũng được nhìn nhận và trân trọng, giữ gìn. “Khuổi Nặm còn reo... Lời ca ơn nhớ... Người.” Tôi tin rằng “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” vẫn luôn lắng đọng trong lòng người hâm mộ và sống mãi với thời gian.
cao bằng, kỷ niệm, thành lập, quân đội, nhân dân, tác giả, ca khúc, đặc biệt, của ông, nổi tiếng, gần gũi, rất đỗi, dân tộc
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc