Trung tâm Văn hóa và Truyền thông TP Cao Bằng

http://caobangtv.gov.vn


Người dân hãy yên tâm tiêm vắc xin phòng Covid - 19 để tự bảo vệ bản thân

Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, tiêm vắc xin được xác định là một trong những biện pháp hiệu quả và quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid - 19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Chính vì vậy, cùng với các địa phương trong tỉnh, thành phố Cao Bằng đã và đang quyết tâm, nỗ lực cao độ để thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho toàn dân.

tiem

       Đến ngày 28/2/2022, 100% người dân trên 18 tuổi của thành phố đã được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid – 19; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 93,9%; mũi 3 đạt 43,1%. Nhờ tỷ lệ bao phủ vắc xin toàn dân cao nên thành phố đã giảm hiệu quả số ca trở nặng cần chăm sóc y tế tích cực. Cùng với đó, các ca mắc cũng có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng và hồi phục nhanh hơn, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm lực lượng cho lao động, sản xuất. Có thể thấy rằng, hiệu quả từ vắc xin đem lại trong bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân là không thể phủ nhận. Đa số người dân thành phố rất đồng tình, hưởng ứng, tích cực tham gia chiến dịch tiêm chủng để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng trước những diễn biến khó lường của đại dịch. Song, thực tế vẫn còn một số cá nhân tránh né, chần chừ tiêm vắc xin do lo ngại các biến chứng có thể gặp phải khi tiêm.
       Theo phân tích từ cơ quan chuyên môn của thành phố, đến nay, toàn thành phố có 13 ca tử vong do Covid - 19, thì có đến 7 trường hợp chưa tiêm, 3 trường hợp tiêm 1 mũi và 3 trường hợp tiêm 2 mũi đều là người cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền, bệnh nặng như nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, chạy thận nhân tạo... nhiều người cao tuổi, có bệnh nền lo lắng khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ dễ bị phản ứng nặng. Đây là suy nghĩ sai lầm. Đến nay, tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận trường hợp người lớn tuổi bị phản ứng nặng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Việc do dự chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ rất nguy hiểm đối với nhóm bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đặc biệt, theo thống kê của Trung tâm Y tế, tỷ lệ tiêm vắc xin của người trên 65 tuổi của thành phố mới đạt 34,4%, trong khi đó, các cơ quan trong cơ thể người cao tuổi đã có sự thoái hóa, suy giảm chức năng, làm cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu dần, nên rất khó khăn trong việc chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 sẽ có phản ứng viêm quá mức làm tổn thương phổi, thận và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Đặc biệt, phổi là nơi vi rút SARS-CoV-2 tấn công đầu tiên và cũng là bộ phận bị tàn phá mạnh nhất, khiến tình trạng suy hô hấp rất nặng. Ở những người mắc bệnh lý nền khi mắc COVID-19 sẽ nhanh chóng thúc đẩy bệnh nền của mình chuyển sang giai đoạn cấp. Khả năng đào thải vi rút SARS-CoV-2 của người cao tuổi kém hơn so với người trẻ, với người có bệnh nền thì càng kém hơn. Lúc này bệnh nền sẽ diễn biến kéo dài hơn, khó chữa hơn, khiến người bệnh dễ tử vong hơn. Theo thống kê cho thấy, những người chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 và tăng 14 lần nguy cơ tử vong nếu mắc bệnh.
       Để đảm bảo mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng cho toàn dân, chủ động phòng chống dịch Covid – 19 trong bối cảnh các biến chủng mới liên tục xuất hiện, tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, thành phố đang tổ chức các đợt tiêm vét, tiêm bổ sung cho các đối tượng có chỉ định hoãn tiêm. Từ đó, đảm bảo mỗi người dân đều được tiếp cận với vắc xin công bằng, hiệu quả. Thành phố cũng đang tích cực xây dựng kế hoạch, rà soát đối tượng trẻ em từ đủ 5 đến 12 tuổi để chuẩn bị tiêm chủng theo kế hoạch của Bộ Y tế. Nỗ lực chung tay kiểm soát dịch bệnh, mỗi người dân thành phố cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện chiến lược “5K + vắc xin + công nghệ” để phòng chống Covid - 19 hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và toàn xã hội. Người dân nào đủ điều kiện tiêm vắc xin hãy đừng trì hoãn, chần chừ. Bởi,qua theo dõi, các phản ứng, dị ứng sau tiêm cũng rất ít xảy ra, chủ yếu là phát ban trên da, hơi ngứa và sưng vị trí tiêm, một số trường hợp có thể khó thở, rất hiếm có trường hợp phản ứng nặng ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Hiện nay, tất cả các cơ sở tiêm chủng đều đã chuẩn bị sẵn thuốc Adrenalin - là thuốc cấp cứu phản vệ từ độ 2 trở lên tại tất cả các bàn tiêm chủng, khu vực theo dõi sau tiêm. Các nhân viên y tế cũng đều đã được đào tạo rất kỹ về tiêm vắc xin COVID-19 cũng như công tác cấp cứu phản vệ theo các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế trước khi thực hiện nhằm đảm bảo cho việc tiêm vắc xin được an toàn nhất.
Quy trình tiêm chủng được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 được theo dõi sức khoẻ tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó được hướng dẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng. Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Do đó, ngoài trường hợp có yếu tố nguy cơ cao, thì người dân có thể yên tâm tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm chủng.
        Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể, khi đã tiêm vắc xin COVID-19 thì giảm nguy cơ nhiễm bệnh, nếu đã nhiễm bệnh thì không bị bệnh nặng, nếu đã có bệnh nặng thì khả năng gây tử vong là thấp hơn rất nhiều so với chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng. Bên cạnh việc tiêm vắc xin hãy tiếp tục thực hiện tốt 5K: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế để bảo vệ bản thân và gia đình.

Tác giả bài viết: Long Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây