ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI HỌC SINH THÀNH PHỐ CAO BẰNG
An toàn giao thông là một vấn đề quan trọng, liên quan đến cuộc sống và sức khỏe của mọi người. Đặc biệt, đối với học sinh - những mầm non tương lai của đất nước. Tình trạng vi phạm luật giao thông ở lứa tuổi học sinh luôn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ, thầy, cô giáo và toàn xã hội. Chính vì thể, việc đảm bảo an toàn giao thông cho các em không chỉ là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay một cơ quan, tổ chức nào, mà đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội.
Trong năm 2024, tình hình đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn thành phố Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực, nhiều giải pháp, cách làm hay được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện… Đặc biệt, học sinh điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn.
Tai nạn giao thông học đường – những con số biết nói
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông ban hành Kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn cả nước. Tỉnh Cao Bằng đã có công văn số 3465/UBND-GT ngày 13/12/2024 của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh và Công an tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch 4510/KH-CAT-PC08 ngày 30/09/2024 về cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cùng với đó, Công an thành phố đã ban hành Kế hoạch số 361a/KH-CATP-GTTT ngày 12/3/2024 về thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Kế hoạch số 2096a/KH-CATP-GTTT ngày 01/10/2024 về cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn thành phố Cao Bằng. Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng đã ban hành văn bản số 2948/UBND-QLĐT ngày 18/10/2024 về việc chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, tổ chức ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong những ngày đầu tháng 10/2024. Ngoài ra Công an thành phố Cao Bằng đã tham mưu Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Bằng về việc thực hiện tuyên truyền pháp luật về TTATGT thông qua video clip đối với 20 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Từ đầu tháng 01/2024 đến nay Công an Thành phố Cao Bằng đã tổ chức 46 ca tuần tra kiểm soát, lập biên bản 302 trường hợp vi phạm trong đó có 92 trường hợp vi phạm là học sinh các trường học trên địa bàn thành phố. Toàn thành phố xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông học đường nghiêm trọng khiến 02 cháu tử vong, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 7,5 triệu đồng. Số trường hợp học sinh vi phạm do không đội mũ bảo hiểm là 78 trường hợp, chửa đủ tuổi điều kiện phương tiện là 50 trường hợp, xe không có đăng ký là 59 trường hợp, chở quá số người quy định 01 trường hợp.
Chung tay bảo vệ an toàn giao thông cho học sinh
Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp cùng Công an thành phố, phòng Giáo dục và đào tạo thành phố đặt ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, trung kiểm tra và xử lý các trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện sẽ bị xử lý nghiêm.
Năm 2024, Phòng GD&ĐT thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động cha, mẹ, người giám hộ thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, có biện pháp quản lý; trên 13.900 học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở đã ký cam kết tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và các quy định về trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với Công an thành phố và các trường tổ chức 30 buổi ngoại khóa chuyên đề về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (thu hút trên 20.800 người tham gia); trọng tâm là tuyên truyền, vận động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định: “Đã uống rượu, bia – không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”;... tuân thủ quy tắc giao thông; phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về trật tự an toàn giao thông được chú trọng nâng cao. Các trường học tiếp tục triển khai giảng dạy Chương trình giáo dục “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” đối với cấp trung học cơ sở, Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” cho học sinh tiểu học và Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” cho trẻ mầm non. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các đơn vị tổ chức lồng ghép trong giảng dạy chính khóa về trật tự an toàn giao thông và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa chuyên đề; qua ứng dụng công nghệ thông tin như nhóm zalo, facebook, hệ thống tin nhắn vnedu, smart, email,... Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức triển khai nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn thành phố với nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày khai giảng và vào giờ cao điểm trong năm học; nỗ lực đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục.
100% các cơ sở giáo dục (32/32 đơn vị) thực hiện phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong nhà trường; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong năm học. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; có quy định cụ thể việc xử lý những tập thể và cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường đảm bảo An toàn giao thông cho học sinh thành phố Cao Bằng, cần chú ý một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác triển khai đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh của các cơ quan chức năng.
Thứ hai, kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường giúp học sinh hình thành ý thức, văn hóa, tạo cho các em có thói quen tuân thủ Luật Giao thông. Tăng cường lồng ghép các kiến thức giáo dục ý thức chấp hành, giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy tắc tham gia giao thông cho học sinh; tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh vào các buổi ngoại khóa và trong các tiết học, các buổi chào cờ.
Thứ ba, Nhà trường tổ chức cho học sinh cam kết thực hiện chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không điều khiển xe máy, xe gắn máy khi chưa đủ độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định; không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện; thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy và xe đạp điện . Đồng thời, tổ chức tuần tra kiểm soát nhất là tại các khu vực trường học; xử lý nghiêm học sinh vi phạm pháp luật khi tham giao giao thông. Thường xuyên thực hiện các đợt cao điểm, chuyên đề về xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm luật an toàn giao thông.
Thứ tư, để tránh tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông, Phòng Giáo dục thành phố yêu cầu tất cả các trường học tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc đảm bảo An toàn giao thông cho học sinh. Không giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đó chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức nội dung sáng tạo, mới mẻ, cụ thể phong phú nhưng dễ hiểu để mang lại hiệu quả thiết thực hơn, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, phụ huynh và đặc biệt là học sinh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Đảm bảo An toàn giao thông học đường, giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm trật tự An toàn giao thông thì việc quan trọng nhất là hình thành cho các em ý thức tự giác, văn hóa khi tham gia giao thông. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhà trường thì cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho con em mình, góp phần giảm thiểu, bảo vệ con em mình trước tai nạn giao thông.