image banner
TUYÊN TRUYỀN VỀ NHÂN VẬT THỤC PHÁN – AN DƯƠNG VƯƠNG

Việc đặt tên phường Thục Phán thể hiện sự tri ân, tôn vinh vị vua đầu tiên của dân tộc gắn liền với vùng đất Cao Bằng và nhằm nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý chí vươn lên trong mỗi người dân; tên gọi “Thục Phán” mang tính biểu tượng khái quát cao, dễ nhớ, có chiều sâu, phù hợp với vị thế trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh Cao Bằng.

anh tin bai

(Hình minh họa)

Cao Bằng là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, là phên dậu vững chắc nơi biên cương phía Đông Bắc Tổ quốc. Trải qua chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nơi đây luôn giữ vị trí đặc biệt trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Cao Bằng tiếp tục khẳng định vai trò là điểm tựa chiến lược về quốc phòng – an ninh, đồng thời là không gian giàu tiềm năng văn hoá, di tích, lịch sử, con người và cảnh quan thiên nhiên. Nhiều di tích, khảo cổ, truyền thuyết, tư liệu lịch sử, những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học, văn hoá,… đã được công bố trên sách, báo, tạp chí, phương tiện thông tin đại chúng ở trong và ngoài nước về Thục Phán – An Dương Vương, về quốc gia Âu Lạc thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Trong đó truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) – gắn với thời kỳ Thục Phán - An Dương Vương, có nêu: Vào cuối thời Hùng Vương, vùng Cao Bằng và miền Tây Quảng Tây (Trung Quốc) hợp thành nước Nam Cương – gồm 10 xứ mường; Thục Phán – con của vua Thục Chế – lên ngôi khi mới 10 tuổi, nhưng cả chín chúa mường đều không phục, đem quân về bao vây kinh thành đòi nhường lại ngôi vua. Thục Phán tuy còn nhỏ tuổi nhưng tỏ ra là người thông minh tài giỏi, trí tuệ hơn người, đã dùng mưu kế làm cho chín chúa mất nhiều công sức, mà không ai thắng cuộc; cuối cùng các chúa đã phải quy phục Thục Phán, trở thành thủ lĩnh tối cao.

Nước Nam Cương trở nên cường thịnh; Đứng trước họa xâm lăng của nhà Tần, Thục Phán đã tập hợp đoàn kết cư dân Tây Âu và Lạc Việt đánh bại quân Tần xâm lược, theo tư liệu lịch sử như “Đại Việt sử ký toàn thư”, ghi chép của các sử gia Trung Quốc và truyền thuyết dân gian, Thục Phán đã tiêu diệt trên 300 tên địch trong trận đánh Hoằng Ngà trên sông Bằng cách trung tâm thành phố Cao Bằng ngày nay khoảng 5-7 km. Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến đã thắt chặt quan hệ đoàn kết gắn bó với người Âu Việt và Lạc Việt. Sau đó Thục Phán kế thừa sự nghiệp Hùng Vương, thống nhất các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, lập nước Âu Lạc, hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Câu chuyện lịch sử này phản ánh vai trò trung tâm của vùng đất Cao Bằng trong tiến trình dựng nước thời kỳ đầu của dân tộc.

Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” còn được minh chứng bằng các di tích, di vật và địa danh cụ thể tại Cao Bằng gắn liền với cuộc thi tài của các chúa như: Tổng Lằn (Trống lăn) ở xã Thịnh Vượng và cánh đồng Phiêng Pha (xã Mai Long, huyện Nguyên Bình), cây đa cổ thụ ở Cao Bình và cánh đồng Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng); đôi guốc đá khổng lồ ở Bản Thảnh và Khau Lừa (tức đồi Thuyền) ở thị trấn Nước Hai (huyện Hoà An); các địa danh làm thơ, mài kim, đun gạch, xây thành đều tập trung ở Cao Bằng[1].

Giả thuyết về nguồn gốc Thục Phán là người bản địa còn được phản ánh trong các thần tích, ngọc phả, trong các nghi thức, thờ cúng, trong ký ức dân gian, An Dương Vương- Thục Phán luôn luôn là một người có công dựng nước, giữ nước, như một vị anh hùng được tôn kính. Hiện tại còn dấu vết của một tòa thành ở Cao Bằng , dân gian gọi là thành Bản Phủ. Tương truyền đây là thành của Tục Pắn (Thục Phán), người đã giành chiến thắng được tôn làm vua nước Nam Cương sau khi thi tài “Cẩu chủa cheng vùa”. Thành này có hai lớp tường thành đất đai bao bọc, gợi ra truyền thống đắp thành Cổ Loa sau khi An Dương Vương rời Cao Bằng xuống đóng đô ở Đồng Bằng. Vị trí của Thành Bản Phủ, Cao Bằng khá phù hợp với vị trí của Tây Âu ở thế kỳ III TCN. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra giữa thành Cổ Loa và thành Bản Phủ có sự tương đồng về cách thức và cấu trúc xây dựng. Có thể Thục Phán đã rút kinh nghiệm từ thành Bản Phủ để xây dựng thành Cổ Loa với đặc điểm chung là tận dụng thế tự nhiên, có sông, có đất đồi, kết hợp chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo để xây dựng Thành.

Qua những tư liệu trên, các nhà khoa học đã xác lập một giả thuyết Thục Phán là người Tày cổ, là thủ lĩnh liên minh bộ lạc Tây Âu mà trung tâm là Cao Bằng. Điều đó được minh chứng là: Đến nay, những tập tục, truyền thuyết dân gian tại Cổ Loa và vùng xung quanh phù hợp với cách lý giải về nguồn gốc Thục Phán- An Dương Vương là người Tày cổ, giống truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa” và trong tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi nhớ nguồn gốc “người thượng du, một tù trưởng miền núi” của Thục Phán. Thậm chí còn nói rõ quê gốc của Thục Phán - An Dương Vương là Cao Bằng “ chỉ chuyên săn bắn”, “thạo nghề cung nỏ”. Không chỉ trong tế lễ An Dương Vương hằng năm mà trong tết nhất, người Cổ Loa không thiếu được món bánh chưng Tày và bỏng chủ (loại bỏng có nhiều nét tương đồng với khẩu sli và thúc théc của đồng bào Tày Cao Bằng).

 Ngày nay, các địa danh, câu chuyện gắn với Thục Phán An Dương Vương có tính lan tỏa rộng lớn, và đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân từ đời này sang đời khác, vẫn còn nhiều tập tục - có thể gọi là  một loại hình văn hóa dân tộc người lưu lại, liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương và thành Cổ Loa. Đó là các biểu tượng Rùa vàng, Gà Trắng (trong đó Gà trắng phá hoại việc xây thành Cổ Loa, Rùa vàng giúp xây thành), đó là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng trong dân tộc Tày [2]. Từ những quan niệm đó đến những phong tục, tập quán của người Tày về Rùa vàng và Gà trắng, cho thấy rõ “sự tương đồng với những chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, những nét tương đồng đó phải chăng có cội nguồn từ gốc Tày cổ của Thục Phán – An Dương Vương. Vì nhà vua là Tày cổ nên những quan niệm, phong tục cổ của người Tày đã được đưa đến vùng đất Cổ Loa”. Rồi tên gọi Tây Âu (hay Âu Việt) trước đó là tên gọi bộ lạc Tày cổ, có thể do Tày Hâu – Cần Hau hoặc Tày Hâu – Cần Hay biến âm mà thành.

Trong những năm 1960, ở Cao Bằng còn lưu truyền “ Slửa nộc sloa” (áo lông chim Trĩ) và “Slửa nộc cốt” (áo lông chim bìm bịp) và một loại sang hơn là “Slửa cáy nhùng” (áo lông gà công). Đó là những chiếc áo gần với chiếc áo “áo lông ngỗng” của Mỵ Châu- con gái của An Dương Vương. Đồng thời khi nghiên cứu địa danh khu vực Cổ Loa, các nhà dân tộc học cũng nhận thấy nhiều điểm tương đồng với văn hóa truyền thống và ngôn ngữ của dân tộc Tày- Thái, như sự xuất hiện một số từ thuộc ngôn ngữ Tày cổ còn lưu lại trong địa danh khu vực Cổ Loa”: Từ “Viềng” nghĩa là thành; hoặc các địa danh còn ở Cổ Loa như: Tó, Dục Nội, Uy Nỗ, Cường Nỗ, Kính Nỗ… chính là mang nguyên âm gốc hoặc biến âm từ nhưng Đồn-Tó-Nọ.. trong tiếng Tày- Thái… Ngay cả tên Mỵ Châu cũng đã được các nhà ngôn ngữ- dân tộc học lịch sử phân tích  có nguồn gốc biến âm của tiếng Tày từ “Mẻ chủa” hay “ Mẻ Chẩu” mà thành. Địa danh Cổ Loa có thể biến âm từ Kẻ Lũ, những địa danh có tên Kẻ ở Cao Bằng như: gần Thành Bản Phủ bên kia sông Bằng có Kẻ Giẳng Ké Nông…rồi Cả Lọ, Co Lỳ tương ứng với Cà Lồ, Cổ Loa, hay Đông Anh được gọi là Đỏong Eng,... đó là những chứng tích cho thấy rõ sự liên quan giữa kinh đô Nam Bình với Kinh đô Cổ Loa của Thục Phán- An Dương Vương.

Đó là quá trình phát triển hợp lý, cả thời gian, không gian, vừa có tính liên tục, tính kế thừa. Điều đó góp phần làm sáng tỏ và khẳng định giả thuyết: Thục Phán có nguồn gốc ở Cao Bằng đã có công lớn đối với việc thành lập nước Âu Lạc, đóng góp vào quá trình dựng nước và giữ nước trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử dân tộc. Nước Âu Lạc ra đời là một bước phát triển mới trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Nhiều năm gần đây, tỉnh Cao Bằng đã cùng các nhà khoa học, khảo cổ học nghiên cứu, triển khai Đề tài khoa học về Thục Phán- An Dương Vương, trong đó có tập trung làm rõ về nguồn gốc, quê hương, địa bàn cư trú, hoạt động của bộ lạc Âu Việt do ông đứng đầu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề Thục Phán - An Dương Vương, về nước Nam Cương, nước Âu Lạc; về cuộc kháng chiến chống quân Tần diễn ra trên đất Âu Lạc; nghiên cứu, bảo tồn nhưng giá trị di sản Cao Bằng liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương. Từ đó, góp phần làm căn cứ để xây dựng kế hoạch bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử, phục dựng di tích liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương; lập hồ sơ các địa danh, di tích, hiện vật đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Đối với di tích thành Bản Phủ ở xóm Hồng Quang 1, xã Hưng Đạo; dựa theo truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”, Bản phủ là thành của Tục Pắn (Thục Phán) ở kinh đô Nam Bình - Kinh đô xưa của Nước Nam Cương.

Quá trình nghiên cứu một số nhà sử học như Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn,… chưa khẳng định trực tiếp Thục Phán là người Cao Bằng nhưng khẳng định rằng vùng Đông Bắc bao gồm Cao Bằng là nơi khởi phát của người Thục; nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc nhấn mạnh cần khảo sát kỹ hơn mối liên hệ giữa truyền thuyết về vua Thục “Chín Chúa tranh vua” và các di tích ở Cao Bằng để khẳng định lịch sử dân tộc.

Mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mong muốn của dân tộc, mong muốn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh là xác định được nguồn gốc của Thục Phán An Dương Vương, chúng ta có sử nói về các đời vua Hùng Vương song các thành quách gắn với vua Hùng thì không còn nữa, ngay cả Đền Hùng hiện nay cũng là xây dựng lại sau này nhưng những di tích khảo cổ gắn với Thục Phán thì đã có ở Cổ Loa, Đông Anh nhưng Cổ Loa không phải là nơi phát tích của Thục Phán, vậy Thục Phán từ đâu? Một số khảo cổ lớn, di vật tại Cao Bằng (mộ táng, đồ đồng, mũi tên đồng, rìu, trống đồng...) có niên đại trùng với thời đại Âu Lạc khẳng định có dấu vết văn hoá Đông Sơn xuất hiện tại Cao Bằng nhưng chưa có bằng chứng khảo cổ. Ngày 29/11/2024, Tỉnh uỷ Cao Bằng có Công văn số 1381-CV/TU Tham gia ý kiến về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương tại Cao Bằng gửi Văn phòng Trung ương Đảng đề xuất tổ chức triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về Thục Phán – An Dương Vương và tổ chức khai quật khảo cổ quy mô lớn về những di tích liên quan đến Thục Phán – An Dương Vương để làm rõ vấn đề về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và câu chuyện Thành Cổ Loa.

Ngày 20/02/2025, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành Công văn số 13483-CV/VPTW về việc bảo tồn phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa (gửi Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Thành uỷ Hà Nội, Tỉnh uỷ Cao Bằng, Đảng uỷ Bộ Văn Hoá, Thể Thao và Du Lịch; Đảng uỷ Bộ Ngoại Giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng kính gửi Thường trực Ban Bí thư). Công văn nêu rõ xem xét báo cáo và đề nghị Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; tổ chức hội thảo chuyên sâu, khai quật khảo cổ,… để làm rõ và thống nhất về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương và Thành Cổ Loa; đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới; cơ quan, địa phương liên quan chủ động phối hợp, tích cực phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Thành phố Hà Nội trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, đồng tình ủng hộ, nêu cao trách nhiệm trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc; tránh để các phần tử xấu xuyên tạc, kích động.

Ở Việt Nam, nhiều địa phương đã đặt tên đường là “Thục Phán” để tưởng nhớ vị vua huyền thoại Thục Phán An Dương Vương, người sáng lập nhà nước Âu Lạc; bao gồm: TP. Hồ Chí Minh – Có đường Thục Phán ở Quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức); Hà Nội – Một số quận, huyện ven đô có đặt tên đường Thục Phán, như huyện Đông Anh (gần khu vực Cổ Loa). Đà Nẵng – Có đường Thục Phán tại quận Liên Chiểu. Các tỉnh khác – Nhiều địa phương khác như Huế, Nghệ An, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc,… cũng có các tuyến đường mang tên Thục Phán trong các khu dân cư mới; Tại Cao Bằng cũng đã được đưa vào danh mục đặt tên đường, phố trên địa bàn.

Việc đặt tên phường Thục Phán thể hiện sự tri ân, tôn vinh vị vua đầu tiên của dân tộc gắn liền với vùng đất Cao Bằng và nhằm nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý chí vươn lên trong mỗi người dân; tên gọi “Thục Phán” mang tính biểu tượng khái quát cao, dễ nhớ, có chiều sâu, phù hợp với vị thế trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh (theo định hướng 1 trục 3 trung tâm, chạy từ Hợp Giang - ngày xưa trung tâm của Cao Bằng, thị xã cũ chính là phường Hợp Giang sau này mở ra trung hành chính mới là ở Đề Thám hiện nay nơi có Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nhưng mà Cao Bình, xã Hưng Đạo, Hoàng Tung (Hoà An) những khu vực thấm đẫm các di tích lịch sử, gắn liền với các đời vua chính là trung tâm); với thông điệp “Từ cội nguồn lịch sử, cùng nhau kiến tạo tương lai” qua đó tạo được dấu ấn riêng, giúp quảng bá hình ảnh, vị thế của phường trung tâm của tỉnh trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.



 

[1]Ngay thành Bản Phủ (Cao Bình, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) là cây đa cổ thụ, tương truyền là chúa Kim Đán dùng cung tên bắn gần trụi hết lá. Ra khỏi vòng thành ngoài, ở gần Đầu Gò còn có một đôi guốc đá khổng lồ chưa kịp đục lỗ xỏ quai, đó là kết quả đua tài của chúa Văn Thắng. Theo quốc lộ khoảng 1 km (hướng lên thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An), ở bên phải có một quả đồi gọi là Khau Lừa (tức đồi thuyền), theo truyền thuyết đó là con thuyền của chúa Ngọc Tặng chưa kịp lật; đối diện với Khau Lừa bên kia sông Bằng là thành Na Lữ còn thiếu một cửa do cuộc đua tài của chúa Thành Giáng bị bỏ dở. Chúa Thiết Vận không kịp xâu lỗ kim mà ném mạnh kim bay qua hướng Trà Lĩnh xuyên thủng ngọn núi, đó chính là Phja Piót (nay gọi là núi thủng, tức Mắt Thần núi, thuộc xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh) và xuyên qua ngọn núi ở xã Thái Cường, huyện Thạch An, nên gọi là Ngườm Kim. Địa danh Mỏ Sắt (xã Dân Chủ , Hòa An) là nơi diễn ra cuộc thi Nung vôi, gạch của chúa Lâm Tuyền Thượng. Còn chúa Đàm Viết Dũng làm thơ, phải bỏ cuộc vì khi gần đến thắng lợi thì nghe tiếng trống của chúa Quang Thạc vang lên; các chúa tưởng chúa Quang Thạc đã giành chiến thắng. Nhưng cả chúa Quang Thạc cũng bị trúng mỹ nhân kế của Thục Phán, nên trống lăn xuống vực kêu ầm lên vang vọng cả núi rừng, nơi trống lăn gọi là Tổng Lằn (trống lăn) ở đèo Cao Bắc (giáp tỉnh Bắc Kạn).

[2] Nhân dân coi Rùa vàng thần giúp sức, phù trợ nhân dân, con rùa được quý trọng, tôn thờ. Con gà thì lại khác, biểu tượng gà là vật ký thác linh hồn, hiện nay đồng bào vẫn coi Ma gà (Phi cáy) là hiện tượng đáng sợ, khi bị ma gà nhập. Đồng bào coi gà trắng là Cáy khoăn (gà gọi hồn), vì vậy đồng bào thường kiêng nuôi gà trắng, kiêng thịt gà trắng trong dịp lễ vui mừng.

 

 

Ban Tuyên Giáo và Dân vận Thành ủy Cao Bằng 

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

TRUNG TÂM VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ CAO BẰNG 

Trụ sở: Số 032, phố Đàm Quang Trung, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Điện thoại: 02063.854.007 - E mail: trungtamvhtt.tp@caobang.gov.vn