Phường Thục Phán chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát trở lại của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh nói chung và phường Thục Phán nói riêng, nhằm kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các ổ dịch hiện có, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lan rộng trên diện rộng, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và ổn định hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngày 15/7/2025, Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phường đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ trưởng, trưởng xóm và toàn thể nhân dân trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Ảnh minh họa
Văn bản đề nghị Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố (cũ) chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân phường trong công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng (bình phun, đồ bảo hộ, dụng cụ lấy mẫu...) và lực lượng kỹ thuật để sẵn sàng triển khai công tác khử trùng tiêu độc, lấy mẫu bệnh phẩm, xác minh ổ dịch, đánh giá mức độ lây lan và xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả. Tăng cường kiểm dịch thú y đối với lợn hơi, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an phường, Đội Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo yêu cầu thú y.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ trên địa bàn; hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, quy trình xử lý khi có dịch phát sinh theo quy định chuyên môn. Kịp thời cập nhật tình hình dịch tễ, tổng hợp diễn biến dịch bệnh trên địa bàn và báo cáo về UBND phường để chỉ đạo xử lý. Trường hợp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, tham mưu UBND phường ban hành quyết định công bố dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo quy định hiện hành.
Công an phường tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực chợ, điểm tập kết hàng hóa, tuyến đường vận chuyển, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn trong khu vực có dịch hoặc nghi có dịch. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, quản lý thị trường và chính quyền địa phương trong việc: Ngăn chặn các hành vi vận chuyển lợn trái phép ra, vào vùng dịch; Phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình tiêu thụ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; Xử lý hành vi vứt xác lợn chết ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ phát tán mầm bệnh. Đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực đang thực hiện khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn mắc bệnh; hỗ trợ chính quyền cơ sở trong việc cưỡng chế, xử lý nếu người dân không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đội Quản lý Thị trường số 1 thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động lưu thông, vận chuyển lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn lưu hành trên thị trường, đặc biệt tại các chợ, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, điểm tập kết hàng hóa, chợ tạm. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp vận chuyển thịt lợn từ các vùng có dịch hoặc không có hồ sơ kiểm dịch, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn bán sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y theo quy định pháp luật. Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các cơ sở, điểm giết mổ lợn trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ.
Các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng xóm và nhân dân cần chủ động giám sát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh tại các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn quản lý. Khi phát hiện lợn có dấu hiệu mắc bệnh, chết bất thường hoặc các trường hợp vứt xác lợn ra sông, suối, bãi đất trống, cần kịp thời báo cáo UBND phường và phối hợp xử lý. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch: Không tái đàn khi chưa được cơ quan thú y cho phép; Vệ sinh, sát trùng chuồng trại định kỳ; Cách ly, theo dõi lợn có dấu hiệu bất thường; Chủ động liên hệ với cơ quan chuyên môn của phường khi cần hỗ trợ kỹ thuật hoặc xử lý dịch bệnh. Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tuyệt đối không che giấu dịch, không tự ý tiêu hủy hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe đàn lợn trong gia đình; khi phát hiện lợn có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc chết bất thường, cần báo cáo ngay cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng xóm hoặc Ủy ban nhân dân phường để được hướng dẫn xử lý theo đúng quy trình chuyên môn, không tự ý xử lý làm phát tán mầm bệnh. Tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi mua bán, vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; không giết mổ, sử dụng lợn bệnh, lợn chết để làm thực phẩm, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và cộng đồng.
Thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành thú y và chính quyền địa phương về an toàn sinh học trong chăn nuôi: Vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại định kỳ; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; Không tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; Không để người lạ ra vào khu vực chăn nuôi trong thời điểm có dịch.
Đối với người không chăn nuôi, cần nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng có trách nhiệm: lựa chọn thịt lợn và sản phẩm từ lợn có dấu kiểm soát giết mổ, có nguồn gốc rõ ràng, được bán tại các cơ sở uy tín. Tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động người thân, hàng xóm và cộng đồng xung quanh cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; lên án, tố giác các hành vi cố tình vi phạm quy định về thú y, bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm.
Bùi Toàn (T/h)