image banner
CHÙA VIÊN MINH
Chùa Viên Minh (Viên Minh Tự), còn có tên gọi là Chùa Đà Quận, tọa lạc trên một gò đất rộng, cảnh trí bồng lai, tại thôn Đà Quận, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng.
anh tin bai

       Là một trong các ngôi chùa cổ nhất của Cao Bằng, được dựng lên để thờ phật với quy mô khá lớn so với các chùa, miếu trên địa bàn thành phố Cao Bằng. Đối diện chùa Viên Minh là đền Quan Triều thờ danh tướng Dương Tự Minh, tổng trấn Phú Lương thời Nhà Lý. Chùa và Đền chung nhau một khuôn viên.

       Tương truyền, chùa Viên Minh được xây dựng từ thời Vua Lý Anh Tông (1138-1175) trên một vùng đất tựa con rồng, cảnh đẹp nổi danh thơ mộng, khí thiêng trong lành. Trải qua bao biến cố lịch sử, ngôi chùa bị mai một, hoang phế. Cuối thế kỷ XVI, Nhà Mạc lên Cao Bằng, đóng đô ở Cao Bình (nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) đã quan tâm trùng tu, tôn tạo, xây dựng lại trên nền đất xưa. Đến thời hậu Lê, Chùa lại được trùng tu, mở rộng tiền đường, sửa sang phật điện. Viên Minh trở thành ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, thu hút bao khách lữ hành, vượt bao dặm trường về đây hương, bái, dự lễ chùa. Trong chùa có câu đối: Viên Minh thần tích hưng tiền Lý/Đà Quận thần chung chú hậu Lê (Tạm dịch là: Viên Minh xây dựng trước, từ thời Lý/Chuông thần Đà Quận đúc sau thời Lê (thời Nhà Lê sơ).

       Chùa Viên Minh xưa có kiến trúc hình chữ “Đinh”, hướng phía Tây-Bắc, bao gồm: nhà đại bái, hay còn gọi là tiền đường, bên trong là trung đường và phật điện dài 5 gian. Các cụ cao tuổi cho biết: ở gian tiền đường có hai bức tượng hộ pháp cao lớn uy nghi, bố trí hai bên tả hữu. Dọc hai bên hành lang gian trung đường có đặt hệ thống tượng thập bát la hán, bên trong là bệ tượng nghìn tay, nghìn mắt. Tại nơi trung tâm chính diện có đặt bệ thờ tam cấp, vị trí cao nhất là ba bức tượng tam thế tượng trưng cho ba kiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai; vị trí thứ hai là các tượng Thích ca với nhiều thế ngồi thiền; sau cùng là tượng Thích ca sơ sinh và tòa cửu long với 9 con rồng vây quanh. Trên bệ này có đặt bát hương lớn để dâng hương, tế lễ nơi cửa phật.

      Ngôi chùa Viên Minh hiện nay được đầu tư tôn tạo trên nền đất cổ xưa, có sự thay đổi vị trí đặt các bệ tượng. Các gian tiền đường, trung đường xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, lưỡng long chầu nguyệt; trước cửa chùa có ghi ba chữ: “Viên Minh Tự”. Hiện vật trong Chùa gồm có:  ba pho tượng phật, một tượng phật bà Quan thế âm Bồ tát ngồi thiền, một tượng nghìn tay, nghìn mắt. Hầu hết các loại tượng này đều nhỏ và mới được đưa vào chùa cùng với bốn câu đối. Ngôi chùa đã được được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND, ngày 04 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.

      Đặc biệt, trong chùa có hai quả chuông đồng cổ đúc từ năm 1611, được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp quốc gia, theo Quyết định số 2861-QĐ/BT, ngày 04/9/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chuông chùa Đà Quận được coi là chuông thần, hay thần chuông thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam. Một chuông đặt ở Chùa Viên Minh, một đặt ở đền Quan Triều. Trên chuông có khắc bài minh chuông bằng chữ Hán, ngợi ca cảnh trí sơn thủy, hữu tình Châu Thạch Lâm, Đà Quận; vẻ đẹp trầm mặc chùa Viên Minh đối diện đền thờ Dương Tự Minh, ngân vang chuông thần ngày đêm và việc trung trùng tu, tôn tạo ngôi chùa; khắc ghi công lao Khanh hiền họ Lê đã giúp thánh chúa Nhà Mạc xây dựng, tôn tạo nhà chùa.

       Đặc biệt, trong chùa có hai quả chuông đồng cổ đúc từ năm 1611, được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp quốc gia, theo Quyết định số 2861-QĐ/BT, ngày 04/9/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.  Một chuông đặt ở Chùa Viên Minh, một đặt ở đền Quan Triều. Chuông chùa Đà Quận được coi là chuông thần, hay thần chuông thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam. Trên chuông có khắc bài minh chuông bằng chữ Hán, ngợi ca cảnh trí sơn thủy, hữu tình Châu Thạch Lâm, Đà Quận.

      Bài minh chuông, tạm dịch thuật ý như sau: “Trời mở Nam Việt/Đất lập Cao Bằng/Giữa là Vương phủ/Ngoài Bắc lũy thành/Thạch Lâm thế đẹp/Đà Quận đất thiêng/Núi xanh bao bọc/Nước biếc chảy quanh/Xưa có danh tích/Chùa gọi Viên Minh/Chế đồng đục đá/Sống cùng trời trăng/Chuông treo lầu gác/Chuông đặt trong sảnh/Gió thổi vang vang/Tiếng ngọc rung rinh/Chuông động vầng nguyệt/Mỗ động gió âm/Đền thần đối diện/Cung điện chênh vênh/Giờ giấc sớm tối/Tiếng chuông u huyền/Thế tình biến đổi/Người vật nảy sinh/Bởi chưng khiếm khuyết/Ra sức sửa trị/Giúp thánh chúa Mạc/Khanh hiền họ Lê/Cung tiến đồng quý/Mở lòng từ bi/Đón thợ dựng xây/Giữ mãi hình phật/Đúng hạn hoàn thành/Hội chủ báo công/Lòng thành trọn vẹn/Gần xa biết tiếng/Âm công rạng tỏ/Dương báo vẻ vang”. Trên chuông ghi rõ niên đại đúc chuông: chỉ thập cửu niên Tân hợi cốc nhật năm 1611, niên hiệu Càn thống, triều vua Mạc Kính Cung. Nghiên cứu đặc điểm quả chuông và niên đại được khắc trên thân chuông cùng bài minh chuông, có thể khảng định: đây là những di vật thời Nhà Mạc. Bài minh chuông như một áng thơ bốn chữ rất hay, một minh chứng sống động khắc họa vài nét quá khứ thời Nhà Mạc tại kinh đô Cao Bình, là nguồn tư liệu lịch sử quý báu để khai thác, nghiên cứu lịch sử địa phương và lịch sử quốc gia, dân tộc.

       Lễ hội chùa Viên Minh được tổ chức từ đêm mùng 8 đến ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm. Phần lễ dâng hương, cúng tế được tiến hành từ tối mùng 8. Phần hội cũng có những hoạt động phong phú, sôi nổi với các trò chơi dân gian như: tung còn, đánh đu,... và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao sinh động vui tươi trong những ngày đầu xuân. Hoạt động của nhà chùa đã thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và khách lữ hành du lịch đến dâng hương, cầu phúc, cầu lộc, cầu an, mọi sự thuận lợi, hanh thông, may mắn.

PV Tổng hợp

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

TRUNG TÂM VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ CAO BẰNG 

Trụ sở: Số 032, phố Đàm Quang Trung, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Điện thoại: 02063.854.007 - E mail: trungtamvhtt.tp@caobang.gov.vn