Ngày 01/03 (tức ngày 02/02 âm lịch), phường Hợp Giang phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức Lễ hội truyền thống chùa Phố Cũ Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thế Hoàn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Ngọc Hà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện Bảo Lâm.
Chùa Phố Cũ trước đây là Quan đế Miếu, thờ Quan Vân Trường, được xây dựng tại thành Mục Mã (nay là phường Hợp Giang) vào đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3 (1679). Đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1820), chùa được sửa chữa lại, xây thêm gian hậu cung, có bàn thờ tam cấp để thờ Phật và đổi tên thành Phố Cũ. Trải qua thời gian, đến năm 1945 nhân dân thị xã (nay là thành phố Cao Bằng) đã quyên góp trùng tu lại chùa và rước đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương) về thờ. Chùa Phố Cũ là ngôi chùa thờ tiền Thánh - hậu Phật nên trong chùa được chia làm 2 phần thờ chính: Thờ Phật và thờ Thánh.
Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa Phố Cũ còn là di tích lịch sử cách mạng. Tại đây, Mặt trận Việt Minh tỉnh do đồng chí Văn Tư (tức Hoàng Đình Giong) lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ quân Nhật. Cũng tại ngôi chùa này, ngày 22/8/1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh và thị xã Cao Bằng tổ chức mít tinh, thành lập Ủy ban Hành chính lâm thời của thị xã và lễ ra mắt Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh, lật đổ tầng lớp thống trị tay sai, phong kiến, thực dân, giành chính quyền về tay Nhân dân, chính quyền cách mạng chính thức ra đời. Ngày 31/12/2002, chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội Chùa Phố cũ được tổ chức vào ngày 02 tháng 02 âm lịch hằng năm. Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: chương trình văn nghệ với các tiết mục ca ngợi quê hương đất nước, dân ca dân tộc; trưng bày thư viện xuân; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch và các sản phẩm đặc sản Cao Bằng; các trò chơi dân gian: Cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, múa sạp, đi cà kheo, nhảy bao bố… thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến trẩy hội.
Thông qua lễ hội nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống quê hương cách mạng Cao Bằng.
Trước đó, Ban tổ chức lễ hội đã dâng hoa Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và rước lễ với màn múa rồng đặc sắc.