18/02/2025
Tăng cường quản lý, tuyên truyền và chấn chỉnh việc sử dụng trang phục truyền thống
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, về ý nghĩa của trang phục truyền thống trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thời gian qua, công tác bảo tồn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo môi trường thuận lợi để trang phục truyền thống được gìn giữ, quảng bá, gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trước xu hướng toàn cầu hóa và tác động của nền kinh tế thị trường, tại một số sự kiện văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng sử dụng trang phục không đúng nguyên gốc, trang phục dân tộc bị biến tấu sai lệch về họa tiết, kiểu dáng. Một số điểm du lịch còn cung cấp dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc may công nghiệp, không đảm bảo yếu tố truyền thống. Đặc biệt, việc sử dụng trang phục nhái, hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến giá trị văn hóa mà còn làm mai một bản sắc dân tộc.
Vì vậy, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2030.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, về ý nghĩa của trang phục truyền thống trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng trang phục dân tộc tại các sự kiện chính trị, văn hóa, lễ hội, đảm bảo trang phục được sử dụng đúng chuẩn mực, tránh tình trạng lạm dụng trang phục cách tân gây phản cảm.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chương trình bảo tồn, khuyến khích nghệ nhân mở lớp truyền dạy nghề dệt, may trang phục truyền thống; tổ chức hội thi, trình diễn để tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, cho thuê trang phục dân tộc tại các điểm du lịch, khuyến cáo không sử dụng những trang phục thiếu chuẩn mực hoặc không phù hợp với bản sắc truyền thống.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự chung tay của cộng đồng, tỉnh Cao Bằng hướng tới mục tiêu không chỉ bảo tồn trang phục truyền thống trong đời sống hàng ngày mà còn đưa trang phục dân tộc trở thành một phần quan trọng trong quảng bá văn hóa, phát triển du lịch bền vững.